
Mỗi lần phải thay một lá cờ cũ , phải đi tìm mua một lá cờ mới để thay thế thật khó chịu, vì không có chỗ nào có một lá cờ đúng quy cách để mua. Nhân dịp ngày Quốc khánh sắp đến tôi xin được viết bài này để chúng ta cùng nhau hiểu về Quốc kỳ Tổ quốc mình cho đúng.
Quốc kỳ là biểu tượng thiêng liêng nhất của Tổ quốc, là biểu hiện hồn thiêng đất nước của cả dân tộc. Quốc kỳ Việt nam là LÁ CỜ ĐỎ SAO VÀNG 5 cánh.
Lịch sử của CỜ ĐỎ SAO VÀNG:
Từ những năm đầu 40 của thế kỷ trước, Đảng Cộng sản Đông Dương, Xứ ủy Nam Kỳ đã bàn định cần chọn một lá cờ để chuẩn bị khởi nghĩa. Lúc bấy giờ chuẩn bị cuộc khởi nghĩa 23/11/1940, phong trào chống Pháp đã đến độ sục sôi, các ủy ban khởi nghĩa của quần chúng cũng muốn tìm một lá cờ để diễn tả cuộc khởi nghĩa giải phóng dân tộc – yêu cầu khách quan của ý Đảng lòng dân gặp nhau. Người có công vẽ ra lá CỜ ĐỎ SAO VÀNG đầu tiên là đồng chí Nguyễn Hữu Tiến ( sinh năm 1901, tham gia Xứ ủy Nam Kỳ, mất năm 1941 ).
Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cuối năm 1940, CỜ ĐỎ SAO VÀNG xuất hiện đầu tiên, tung bay ở nhiều địa phương.
Tháng 2/1941, lá CỜ ĐỎ SAO VÀNG 5 cánh được trao cho Trung đội Cứu quốc đầu tiên của nước ta mới thành lập ở Bắc Sơn.
Tháng 5/1941 Mặt trận Việt Minh thành lập, trong Chương trình Việt Minh ghi rõ: “ Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp, Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy cờ đỏ ngôi sao vàng 5 cánh làm Quốc kỳ”. Đó là văn bản đầu tiên nói về Quốc kỳ nước ta.
Trung tuần tháng 8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào ( thuộc tỉnh Tuyên Quang ) quyết định lấy cờ Việt Minh ( CỜ ĐỎ SAO VÀNG 5 cánh) lá cờ khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Hiến pháp được Quốc hội khóa đầu tiên nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 9-11- 1946 đã ghi: “ Quốc kỳ nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh”.
Năm 1976, Quốc hội lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tiếp tục giữ CỜ ĐỎ SAO VÀNG làm Quốc kỳ của nước Cộng hòa XHCN Việt nam.
Ý nghĩa của Quốc kỳ nước Cộng hòa XHCN Việt nam:
– Nền cờ đỏ tượng trưng cho màu nhiệt huyết cách mạng, màu chiến đấu và chiến thắng.
– Màu vàng của ngôi sao tượng trưng cho sự sáng ngời linh hồn dân tộc Việt nam.
– 5 cánh sao tượng trưng cho sức mạnh đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân cùng nhau chiến đấu giành độc lập, tự do và xây dựng Tổ quốc .
Quy cách:
Quốc kỳ có hình chữ nhật, nền cờ màu đỏ tươi, giữa có ngôi sao 5 cánh màu vàng tươi. Trung tâm của sao vàng đặt đúng trung tâm của lá cờ, một cánh sao quay thẳng lên phái trên, các cánh sao phải thẳng, chiều rộng của cờ bằng 2/3 chiều dài; từ tâm sao đến đầu mỗi cánh sao dài bằng 1/5 chiều dài lá cờ.
Cách sử dụng:
Tại Trụ sở Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tòa án, Viện kiểm soát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt nam taị các nước, cột cờ Hà Nội, Trụ sở UBND các cấp ( trừ UBND xã, phường), các cửa khẩu và cổng Quốc tế treo Quốc kỳ 24/24 giờ hàng ngày.
Trụ sở các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cơ quan ban ngành, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở, các đơn vị vũ trang, các doanh nghiệp Nhà nước, các nhà trường treo Quốc kỳ từ 6 giờ – 18 giờ hàng ngày.
Mỗi gia đình cần có quốc kỳ đúng quy cách để treo ngay trước cửa nhà mình trong các dịp lễ, Tết của dân tộc hoặc đón chào khách nước ngoài khi có yêu cầu.
Cờ nên treo nghiêng một góc 30 độ để lá cờ luôn trải rộng, trừ trường hợi treo cờ tang thì treo đúng góc 90 độ.
Như vậy, Quốc kỳ có lịch sử ra đời, có ý nghĩa thiêng liêng, có quy định về màu sắc, quy cách cũng như cách sử dụng. Thế nhưng, lâu nay Quốc kỳ được may bán khắp nơi, nhiều lá Quốc kỳ may quá cẩu thả, không đúng quy cách, kích cỡ, màu đỏ gì cũng may, làm giảm đi tính linh thiêng của nó. Nên mỗi người công dân đất việt cũng cần được hiểu rõ về Quốc kỳ của Tổ quốc mình. Do đó, nên chăng Quốc kỳ nên phải được đăng ký sản xuất theo đúng tiêu chuẩn được cấp phép hoặc độc quyền quản lý của Nhà nước”?
(Bài viết tham khảo tài liệu: “ Một số tư liệu cần thiết đối với cán bộ tuyên giáo công đoàn” Nhà xuất bản Lao động tháng 2/200”
Phạm Sỹ Hiệp – TTDNCĐ Thanh Hóa
SƯU TẦM