Theo điều lệ hiện hành số 974 – TTG ngày 21-7-1956 về việc sử dụng Quốc kỳ, chúng ta cần chú ý những điều sau đây:
1. Treo riêng Quốc kỳ:
a. Quốc kỳ được treo trong các phòng họp của các cấp chính quyền và các đoàn thể khi họp những buổi họp long trọng.
b. Quốc kỳ chỉ treo ngoài nhà những ngày Tết và ngày lễ sau đây :
– Tết dương lịch
– Tết Nguyên đán (âm lịch)
– Tổng tuyển cử, bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
– Ngày Quốc tế Lao động 1-5
– Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5
– Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám 19-8
– Ngày Quốc Khánh 2-9
– Những trường hợp khác cần treo Quốc kỳ thì sẽ có thông báo của Chính phủ, ủy ban nhân dân Tỉnh, Thành phố.
c. Quốc kỳ được treo hoặc mang đi ở những nơi có tổ chức mít tinh, biểu tình, diễu hành, động viên đông đảo quần chúng làm các công việc tập thể như phát động thi đua sản xuất, thực hiện các phong trào cách mạng.
2. Treo Quốc kỳ của ta với Quốc kỳ các nước khác:
– Khi kỷ niệm ngày Quốc khánh một nước bạn, thì treo Quốc kỳ của ta và Quốc kỳ của nước đó tại phòng lễ.
– Khi đón tiếp đoàn đại biểu Chính phủ một nước khác thì treo Quốc kỳ của ta và Quốc kỳ của nước đó ở nơi đón và nơi đoàn ở.
– Ðón các đoàn thể nhân dân các nước thì không treo Quốc kỳ.
3. Cách treo Quốc kỳ:
– Nơi treo cờ là nơi trang trọng, đảm bảo thẩm mỹ và mỹ quan. Cột cờ phải là độc lập, không treo cờ lên các cột đang dùng cho mục đích khác như cột điện, cột ăng-ten,…
– Cờ không được bạc màu, hoen ố, cờ cũ phải hủy đúng cách chứ không được vứt bỏ hoặc dùng vào mục đích khác.
– Cờ cắm trong nhà, cán cờ dài ngắn tuỳ theo không gian của phòng, tuy nhiên không để cờ chạm đất.
– Nếu treo quốc kỳ hai nước, tuỳ theo quy định lễ tân ngoại giao của mỗi nước, phần lớn các nước quy định, nếu đứng từ ngoài nhìn vào cờ nước chủ nhà bên phía tay phải, cờ các nước khách bên phía trái.
– Trường hợp treo nhiều cờ các nước, các cờ phải cùng một cỡ và treo cao ngang nhau, không được treo cờ các nước trên cùng một cột cờ, cờ nọ trên cờ kia. Treo cờ nhiều nước, chỗ trang trọng được tính từ bên phải trở đi, đứng từ phía trong nhìn ra, hay từ giữa trở ra hai bên.